Cổ phiếu VFS tiếp tục tăng phi mã 40% đầu ngày 24/8 vượt xa mốc 50 USD, vốn hóa của VinFast lên 120 tỷ USD.

Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu VFS đạt 3,6 triệu đơn vị chỉ sau 30 phút.

Cổ phiếu VFS tiếp tục tăng phi mã 40% đầu ngày 24/8 vượt xa mốc 50 USD, vốn hóa của VinFast lên 120 tỷ USD - Ảnh 1.

Mở đầu phiên giao dịch ngày 24/8 tại Mỹ, cổ phiếu VFS giao dịch ở mức giá 38,5 USD/cp, tăng 4% so với phiên ngày hôm qua. Chỉ sau 30 phút giao dịch, thị giá VFS đã “bứt phá” tăng gần 40% lên 51,8 USD.

Con số lớn nhất trong quãng thời gian này mà giá cổ phiếu này từng đạt đến là 57 USD.

Cổ phiếu VFS tiếp tục tăng phi mã 40% đầu ngày 24/8 vượt xa mốc 50 USD, vốn hóa của VinFast lên 120 tỷ USD - Ảnh 2.

Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VinFast đã chính thức vượt mốc 100 tỷ USD khi đạt con số 117,2 tỷ USD. Con số này cũng giúp hãng xe điện đến từ Việt Nam lọt vào top 3 những công ty sản xuất ô tô có vốn hóa hóa lớn nhất toàn cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng xây vững chắc vị trí thứ hai về vốn hóa trong các công ty xe điện trên thế giới.

Ghi nhận tại thời điểm 21h40 ngày 24/8 (theo giờ Việt Nam), cố phiếu VFS của VinFast đã tăng hơn 43% trong phiên lên 51,13 USD/cp, có thời điểm cổ phiếu VFS đã vượt mốc 56 USD/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất so với mức đóng cửa các phiên trước kể từ khi lên sàn Nasdaq.

Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành hơn 2,3 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hóa của VinFast đạt hơn 124 tỷ USD, vượt Porsche để đứng vị trí số 3 trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô có vốn hoá lớn nhất trên thế giới (sau Tesla và Toyota).

Cổ phiếu VFS tiếp tục tăng phi mã 40% đầu ngày 24/8 vượt xa mốc 50 USD, vốn hóa của VinFast lên 120 tỷ USD - Ảnh 3.

Còn trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup hiện đang có tổng tải sản là gần 37 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới.

Trong phiên chào sàn Nasdaq ngày 15/8, cổ phiếu VinFast tăng giá mạnh và đóng cửa ở mức giá 37,06 USD/cp.

Mặc dù có hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng VinFast chỉ tung ra khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong số đó cho nhà đầu tư có thể mua bán tự do (free float) trên sàn.

Với cơ cấu cổ đông cô đặc khi khoảng 99% vốn nằm ở nhóm ông Phạm Nhật Vượng, tỷ lệ free float thấp khiến cổ phiếu thuờng có các biến động mạnh.

Trao đổi với CNN vài ngày trước, CEO VinFast chia sẻ doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường và số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.

Hậu niêm yết, bà Thuỷ cũng chia sẻ thêm rằng công ty có rất nhiều kế hoạch lớn phía trước. “Chúng tôi đã niêm yết thành công và tin rằng thị trường chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai. Hiện tại chúng tôi đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD, giúp chúng tôi có thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận”, CEO VinFast thông tin với CNN.

VinFast đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.

Theo Soha/ https://vietnambiz.vn/co-phieu-vfs-cua-vinfast-lap-dinh-moi-202382421478490.htm